Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Nhập môn Thư viện điện tử


Tài liệu chuyên ngành

Nhập môn Thư viện điện tử
Cập nhật: 04-11-2005
Thư viện điện tử là một khái niệm chưa được định nghĩa thống nhất và còn nhiều tranh luận, đôi khi dùng lẫn lộn và đồng nghĩa với các khái niệm "Thư viện không biên giới ",

I.Các khái niệm

Thư viện điện tử là một khái niệm chưa được định nghĩa thống nhất và còn nhiều tranh luận, đôi khi dùng lẫn lộn và đồng nghĩa với các khái niệm "Thư viện không biên giới ", " Thư viện được nối mạng", " Thư viện số", " Thư viện ảo", " Thư viện tin học hoá", " Thư viện đa phương tiện", " Thư viện lôgích","Thư viện văn phòng",....
Thuật ngữ "thư viện điện tử" (electronic library) có thể dùng theo nghĩa tổng quát nhất cho mọi loại hình thư viện đã tin học hoá toàn bộ hoặc một số dịch vụ.
Thư viện điện tử có thể được coi như là nơi người sử dụng có thể tới để thực hiện những công việc mà họ vẫn thường làm với thư viện truyền thống, nhưng đã được điện tử hoá.
Theo tiến sĩ Ching-chih Chen, người đã có sáng kiến tổ chức một loạt hội nghị quốc tế về công nghệ thông tin mới (NIT) hơn mười năm gần đây (từ 1987) thì hiện không có một tiêu chuẩn cố định, chính thức nào cho thư viện điện tử. Người ta sử dụng khái niệm này khá tự do tuỳ tiện.
Tuy ý kiến chưa hoàn toàn thống nhất, nhưng tựu chung lại, ta có thể nhận dạng một số đặc điểm của thư viện điện tử lý tưởng như sau:
- Thư viện phải có vốn tư liệu điện tử (là những tư liệu được lưu trữ dưới dạng số sao cho có thể truy nhập được bằng các thiết bị xử lý dữ liệu).
- phải được tin học hoá, phải có một hệ quản trị thư viện tích hợp ( bổ sung, biên mục, quản trị xuất bản phẩm định kỳ, kiểm soát lưu thông tư liệu, tổ chức mục lục truy nhập công cộng trực tuyến,...); phải nối mạng ( ít nhất là mạng cục bộ).
- phải cung cấp và tạo điều kiện cho người dùng sử dụng các dịch vụ điện tử ( yêu cầu và gia hạn mượn qua mạng, tìm tin trong các cơ sở dữ liệu, truy nhập và khai thác các nguồn tin tại chỗ và với tới các nguồn tin ở nơi khác,...).
Nói tóm lại, thư viện điện tử phải sử dụng các phương tiện điện tử trong thu thập, lưu trữ, xử lý, tìm kiếm và phổ biến thông tin.
Thư viện điện tử ra đời là kết quả của sự hợp tác giữa các chuyên gia thư viện, xuất bản, các nhà khoa học và công nghệ hướng về mục tiêu tiếp cận tới tới đầy đủ thông tin, ở mọi nơi và mọi lúc.
Như vậy có thể nói rằng thư viện số là một bước tiến xa hơn của thư viện điện tử hay có thể nói cách khác, là thư viện điện tử cấp cao, cho phép đọc được thông tin toàn văn sau khi đã số hoá hầu hết tư liệu, đặc biệt là các tư liệu dưới dạng đồ hoạ (như tranh ảnh, bản đồ,...) và đa phương tiện (multimedia) nói chung.
Philip Baker cũng phân biệt thư viện điện tử và thư viện số theo một kiểu khác. Ông cho rằng thư viện điện tử lưu trữ và phục vụ cả ấn phẩm lẫn tư liệu điện tử (tư liệu số hoá), trong khi đó thư viện số chỉ lưu trữ các tư liệu điện tử mà thôi.
Một thư viện điện tử có thiên hướng sử dụng linh hoạt và phổ biến các nguồn tin điện tử nhưng đồng thời cũng tham gia vào việc tạo ra các nguồn tin đó. Các thư viện số cũng có nhiều định nghĩa khác nhau và nhiều công trình nghiên cứu với quan điểm khác nhau.
Thư viện số là hình thức kết hợp giữa thiết bị tính toán, lưu trữ và truyền thông số với nội dung và phần mềm cần thiết để tái tạo, thúc đẩy và mở rộng các dịch vụ của các thư viện truyền thống vốn dựa trên các biện pháp thu thập, biên mục và phổ biến thông tin trên giấy và các vật liệu khác.
Thư viện số là tập hợp của các thiết bị tính toán, lưu trữ và truyền thông số với nội dung và phần mềm để tái tạo, thúc đẩy và mở rộng các dịch vụ của thư viện truyền thống (thu thập, biên mục, tìm kiếm và phổ biến thông tin). Một thư viện số hoàn chỉnh phải thực hiện tất cả các dịch vụ cơ bản của thư viện truyền thống kết hợp với việc khai thác các lợi thế của công nghệ lưu trữ, tìm kiếm và truyền thông số.
Nghiên cứu về thư viện số bao gồm một loạt các vấn đề kỹ thuật, xã hội và chính trị quyện lẫn vào nhau. Khái niệm thư viện số không chỉ tương đương với một sưu tập số hoá và các công cụ quản trị thông tin. Đúng ra đó là một môi trường tập hợp các sưu tập, dịch vụ và con người để hỗ trợ cho một chu trình hoàn chỉnh của việc sáng tạo, phổ biến, sử dụng và bảo quản dữ liệu, thông tin và tri thức ( Hội thảo Santa Fe về môi trường làm việc phổ biến tri thức) và có hàm ý về một môi trường mạng cung cấp nội dung.
Hiện nay người ta đang nghiên cứu thế hệ tiếp theo của các thư viện số nhằm thúc đẩy việc sử dụng và nâng cao tính khả dụng của các nguồn tin được nối mạng và phổ biến trên phạm vi toàn cầu, đồng thời cũng nhằm động viên khuyến khích các dự án phát triển các công cụ phát hiện, quản trị, tìm và phân tích thông tin hướng về các lĩnh vực ứng dụng và cải tiến đổi mới.
Người ta cũng tập trung nghiên cứu định nghĩa thư viện số và quan hệ của nó với thư viện truyền thống cũng như quan hệ với các hệ thống rộng hơn có liên quan đến xuất bản khoa học và thương mại.
Thư viện số được xem như là các hệ thống cung cấp cho cộng đồng người sử dụng cách tiếp cận lôgích tới một kho tin và tri thức lớn, có tổ chức. Kỹ thuật số đã làm tăng khả năng cho người sử dụng tiếp cận, tổ chức lại và sử dụng kho tin.
Một số người cho rằng trong một tương lai không xa, thư viện số cần phải liên kết cả ấn phẩm và tư liệu số và vấn đề chính yếu là phải cho phép bao quát được một kho tin cực lớn. Theo ý kiến này nếu chỉ nhấn mạnh đến nội dung tư liệu dưới dạng số thì chưa đủ. Lúc này, vô hình chung đã đề cập tới thư viện điện tử. Có thể nói thư viện điện tử là thư viện lai (Hybrid library) giữa thư viện truyền thống và thư viện số.
Trên thực tế, mục tiêu là phải phát triển được các hệ thống thông tin cho phép tiếp cận được các kho tư liệu được số hoá ngày một nhiều và khai thác được đầy đủ các cơ hội do các tư liệu dưới dạng số tạo ra. Như vậy, tính chất đày đủ và giá trị của vốn tư liệu có thể được gia tăng do khả năng tích hợp tư liệu dưới dạng số và phương pháp truy nhập dễ dàng.
Trong thực tế có một sự kế tục mạnh mẽ giữa vai trò, chức năng của thư viện truyền thống và các mục tiêu của hệ thống thư viện số, nghĩa là chức năng phát triển, tổ chức vốn tư liệu, tạo phương tiện truy nhập và bảo quản của thư viện truyền thống phải được mở rộng sang môi trường thư viện số. Thư viện số sẽ là một bộ phận của hệ thống dịch vụ thư viện rộng lớn trong tương lai và các cán bộ thư viện sẽ đóng một vai trò trung tâm trong phát triển và quản trị thư viện số.
Một thư viện số phải bao quát được các kho tư liệu số hoá, nghĩa là sẽ phải tiến tới chỉ có một hệ thống thư viện số duy nhất nơi mà người sử dụng ngày càng có khả năng truy nhập tới các loại hình sưu tập số và hệ thống thông tin số khác nhau: các nguồn tin của cá nhân, tập thể, cơ quan tổ chức, các môi trường hợp tác và các thư viện số công cộng.
Nhiều ưu điểm tiềm tàng của thư viện điện tử hay thư viện số so với thư viện truyền thống cũng giống như những lợi thế của CSDL so với hệ thống mục lục và thư mục thủ công: bổ sung vào sưu tập nhanh hơn với sự kiểm soát về chất lượng tốt hơn, chức năng tìm kiếm được cải thiện, truy nhập nhanh hơn tới thông tin tìm được, người sử dụng cá nhân được tự do hơn và ít bị "cửa quyền, quan liêu".
Thuật ngữ " thư viện ảo" (virtual library) dùng theo nghĩa trừu tượng, là một dạng của thực tế ảo (virtual reality), được xây dựng trên cơ sở công nghệ ảo ( đôi khi phối hợp với kỹ thuật âm thanh nổi và hình ảnh nổi để tạo ảo giác như thực), nhấn mạnh đến tính chất "phi không gian" của loại hình thư viện này về phương diện vốn tư liệu và dịch vụ. Bất cứ thư viện nào tạo điều kiện cho người đọc tiếp cận được những tư liệu nằm tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới đều có thể được coi là "thư viện ảo". Nói cách khác, thư viện ảo không phụ thuộc vào một địa điểm cố định và cho phép truy nhập thông tin từ xa thông qua mạng. Còn thư viện điện tử có một địa điểm cụ thể, hữu hình, nơi bạn đọc hay người sử dụng có thể tới để nhận những sản phẩm và dịch vụ được cung cấp dưới dạng điện tử. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thư viện ảo nằm trong phạm trù thư viện điện tử, trong thư viện điện tử có thư viện ảo.
II. Xuất xứ

- Những thành tựu của Công nghệ thông tin : công nghệ máy tính và truyền thông, xuất bản điện tử, công nghệ đa phương tiện (multimedia), Internet và mạng toàn cầu(world wide web), giúp cho các thư viện và cơ quan thông tin đưa ra những dịch vụ và phương pháp quản trị thông tin hữu hiệu cũng như những cơ hội khó tưởng tượng được cho việc truy nhập thông tin và chia sẻ nguồn lực, tạo điều kiện cho việc xây dựng thư viện điện tử hay thư viện số .
-Các thư viện điện tử hay thư viện số nằm trong số những thiết chế xã hội quan trọng nhất và phát huy ảnh hưởng nhất của thế kỷ 21.
Nhiều thư viện điện tử và thư viện số đã được xây dựng ở các nước phát triển. Thư viện Quốc hội Hoa kỳ đã tiến hành một chương trình thư viện số khổng lồ nhằm chuyển đổi vốn tư liệu in truyền thống sang các nguồn tin điện tử linh hoạt và nếu công việc thực hiện đúng tiến độ kế hoạch thì độc giả và những người dùng tin ở khắp nơi trên thế giới trong thế kỷ 21 sẽ có thể bật máy tính, tìm đến CSDL và truy nhập tới kho tư liệu số hoá của TVQH Hoa kỳ, ngoài ra nhiều thư viện đại học Mỹ cũng đang tìm cách để đưa các sưu tập thư viện vào máy tính và đưa lên mạng để bạn đọc truy nhập sử dụng rộng rãi; các chuyên gia cũng có tham vọng tập hợp tư liệu số từ nhiều nơi và thậm chí trên phạm vi toàn cầu, xây dựng thư viện toàn cầu (universal library) để thông qua Internet, mọi người ở bất cứ nơi nào cũng có thể truy nhập.

III. Chức năng và dịch vụ
3 chức năng của thư viện số:
- Làm cho người dùng có thể với tới được các dạng nguồn tri thức, thông tin;
- Tạo cơ chế phát hiện nguồn, cho phép người dùng nhận dạng, xác định được các nguồn tin cần tìm và vị trí lưu giữ các nguồn tin ấy;
- Cung cấp cơ chế chuyển giao các nguồn tin riêng biệt tới người dùng, kể cả quá trình nhận các nguồn tin ở nơi khác và chuyển cho người dùng. (Thư viện như là người môi giới thông tin)
Những dịch vụ cơ bản của thư viện số:
- Dịch vụ tàng trữ, nơi các đối tượng số được ký gửi và lưu giữ;
- Dịch vụ định danh (đặt tên) đảm bảo cho mỗi đối tượng số có một tên duy nhất và có ít nhất một vị trí lưu trữ;
- Dịch vụ chỉ mục: mô tả tập hợp các đối tượng số, chuyển đổi các câu hỏi thành tập hợp kết quả tìm có chứa các tên nguồn duy nhất.
- Dịch vụ thu thập: lựa chọn theo các tiêu chí xác định, dựa vào các mục lục chuyên môn hoá hoặc các phương tiện trợ giúp phát hiện nguồn khác

IV. Các nguyên tắc xây dựng và phát triển thư viện số/thư viện điện tử
Trong khi xây dựng các thư viện số, điều quan trọng là phải xem xét các nguyên tắc quan trọng đảm bảo sử dụng dễ dàng các thư viện đó và giá trị lưu trữ lâu dài.
1. Cần phải có những dạng tư liệu tiêu biểu.Các thành phần tư liệu phải được trình bày dưới hình thức tự nhiên, cụ thể là những đối tượng có thể được vận hành bởi người dùng quen thuộc với chúng.
2. Kết hợp cả ba lĩnh vực : Xã hội (kỹ năng và kiến thức thông tin của người sử dụng, ảnh hưởng xã hội đối với dây chuyền chuyển giao thông tin, luật pháp và chính sách), thông tin (tổ chức, phát hiện nguồn, vai trò của siêu dữ liệu,...), và hệ thống (tương tác người - máy, phần mềm và cấu trúc, qui mô và tương tác)
3. Các đường liên kết phải được ghi lại, giữ gìn, tổ chức và tổng quát hoá.
4.Cần phải có sự phân tách giữa thư viện số và giao diện người dùng cho thư viện đó. Đối tượng của thư viện số được sử dụng khác với đối tượng được lưu trữ. Người dùng tin cần nội dung trí tuệ của tư liệu chứ không phải là đối tượng số.
5.Sử dụng những phương pháp tìm kiếm tiên tiến.
6.Phải phát triển các hệ thống mở, bao gồm người dùng và địa điểm nơi mà một số chức năng của cán bộ thư viện sẽ do máy tính thực hiện.
7.Phải hỗ trợ việc truy nhập theo nhiệm vụ tới các nguồnlưu trữ điện tử
8.Phải có quan điểm phát triển lấy người dùng làm trung tâm. Người dùng phải làm việc với những đối tượng ở mức tổng quát hoá thích hợp.
IV. Một số vấn đề khi xây dựng thư viện điện tử & thư viện số
Nỗ lực của các nhà tin học (thông qua các phần mềm tương tác và hệ chuyên gia có khả năng mô phỏng các dịch vụ do con người thực hiện) và chất lượng xử lý thông tin cao đã giúp người sử dụng bớt được một số khó khăn thường gặp khi sử dụng các loại thư viện điện tử:
- Khó tìm do thiếu công cụ hoặc do bộ máy tìm kiếm tổ chức kém.
- Thiếu các tham chiếu qua lại và mối liên kết với các tư liệu khác.
- quá nhiều đường liên kết vu vơ hoặc dẫn tới các thông tin vô dụng.
- Thường xuyên cải tổ khiến người dùng nhiều khi phải phán đoán mò mẫm nơi có các thông tin đã được định vị trước đây.
- Thiếu sự nhất quán trong khi trình bày những thông tin tương tự.
- Thông tin lạc hậu, không cập nhật, sai ngữ pháp và chính tả.
- khổ mẫu không tương hợp nên gặp rắc rối khi tham chiếu trực tuyến và in ra.
Thư viện điện tử là cổng vào thông tin:
Vì lý do kinh tế, một thư viện có thể chỉ chọn phương án tạo lập những kết nối với các nguồn lực trên Internet ( xây dựng thư viện ảo), chứ không tổ chức cung cấp tư liệu đọc tại chỗ và điện tử hoá các dịch vụ truyền thống. Những thư viện như vậy dồn sức để thực hiện chức năng của một cổng vào thông tin và chỉ giới thiệu thư viện như một kho tư liệu ảo.
Xu hướng hiện nay là xây dựng các thư viện điện tử dưới hình thức các trang web trên mạng thông tin toàn cầu WWW.
Trước khi lập một Website (địa chỉ cung cấp tin trên mạng), cần phải xác định loại thông tin và dịch vụ nào cần đưa lên mạng? Liệu Thư viện có xuất bản các tư liệu riêng của mình hay sẽ xây dựng một sưu tập từ các nguồn lực của nơi khác hoặc kết hợp cả hai? Liệu thư viện có tạo lập rất nhiều mối liên kết để bao quát một phạm vi chủ đề rộng hay chỉ tập trung vào một số lĩnh vực chuyên ngành hay thậm chí chỉ một chuyên ngành sau đó chia thành những mục hẹp hơn? Những vấn đề gì đang được người dùng quan tâm và đối tượng sử dụng là ai ? Nguyên tắc nhóm hợp tài liệu nào đối với người dùng là thích hợp và dễ tìm nhất trong quá trình tra cứu các trang web? thời gian và kinh phí phải mất thêm khi thiết lập và duy trì thư viện điện tử.
Những dịch vụ có thể đưa lên mạng là:
- Truy nhập các cơ sở dữ liệu do thư viện xây dựng hoặc do nơi khác làm, có thu hoặc không thu lệ phí.
- Cung cấp tư liệu: cách này tiết kiệm được thời gian biên chế và người dùng cũng như cuớc phí bưu điện. Hiện nay phổ biến dùng e-mail để chuyển yêu cầu, dùng e-mail hoặc fax để cung cấp tư liệu.
- Gia hạn mượn
- Gửi các thông báo của thư viện qua e-mail: về sách đặt đã tới lượt hoặc đòi sách
- tra cứu điện tử
- dịch vụ trả lời bạn đọc ( trong vòng 24 giờ )
Nhiều thư viện đã có dạng điện tử (thư viện ảo) trên Internet, có nhiều phương án sử dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của bạn đọc.
Có nhiều ý kiến tán thành nhưng cũng có không ít ý kiến hoài nghi, thậm chí phản bác việc xây dựng thư viện số ở các nước đang phát triển. Nhiều vấn đề còn phải cân nhắc và giải quyết trước khi các thư viện đó hoạt động như một bộ phận thông tin ổn định.
Về phương diện kinh tế:
Bước đầu tiên và khó khăn nhất trong việc phát triển thư viện số là chuyển đổi các xuất bản phẩm truyền thống trên giấy sang dạng số. Vấn đề giá thành / hiệu quả của quá trình số hoá khó thuyết phục do chi phí công nghệ và sự cần thiết phải đầu tư liên tục vào công nghệ mới: Số hoá một trang tài liệu giá thành khoảng 0,1 - 0,5 đôla (cách đây 10 năm là 2 đôla). Một thư viện lớn có hàng triệu đơn vị tài liệu khó có thể số hoá toàn bộ kho tài liệu. Thiết bị cũng rất tốn kém vì các dự án đòi hỏi những siêu máy tính có trang bị các bộ vi xử lý cực mạnh, bộ nhớ và khối lượng lưu trữ trong ổ cứng cực lớn. Kể cả trường hợp chuyển đổi số hoá toàn bộ ấn phẩm vào thư viện (số) truy nhập toàn cầu, thì chắc chắn phần lớn các tư liệu này sẽ lại in ra từ máy để đọc trên giấy.
Về phương diện kỹ thuật:
Mặc dầu vấn đề chất lượng sao lại chính xác dữ liệu trong quá trình số hoá đã từng đặt ra và đến nay hầu như đã được giải quyết được bằng các máy quét hiện đại chất lượng cao, nhưng vấn đề vật liệu lưu trữ vẫn không thể bền được bằng các giấy không có axit.
Vấn đề bản quyền:
Bản quyền là một trở ngại đối với việc phát triển thư viện số, bởi vì thư viện số bị ràng buộc bởi những điều khoản của luật bản quyền có liên quan đến việc xuất bản lại các tư liệu dưới hình thức mới, không có phép. Một thư viện phải dung hoà giữa quyền sở hữu trí tuệ và quyền lợi của công chúng. Một mặt tính chất công cộng của các thư viện xuất phát từ nguyên tắc phục vụ không lấy tiền và không vụ lợi và bình đẳng trong truy nhập thông tin và tri thức. Khi chuyển sang thư viện số thì chức năng này cũng không thể thay đổi. Mặt khác, truy nhập toàn cầu tới thư viện số là điều kiện tiên quyết để phát triển thị trường số, như vậy việc truy nhập công cộng miễn phí khó có thể dung hoà với cơ chế thị trường của việc phổ biến thông tin trong một nền kinh tế mà thông tin được coi là hàng hoá.

V. Tình hình phát triển Thư viện điện tử / thư viện số ở Việt nam
Khái niệm " Thư viện điện tử" và "Thư viện số" còn tương đối mới đối với cộng đồng thư viện Việt Nam. Có lẽ nhu cầu chung nghiên cứu vấn đề này bắt đầu từ khi vạch định chiến lược phát triển thông tin - thư viện cho đến năm 2010, 2020, trước xu thế của sự chuyển hướng toàn cầu sang xã hội thông tin và sự xuất hiện của thời đại công nghệ thông tin. Ngoài ra, vấn đề không gian lưu trữ các tư liệu truyền thống dưới dạng ấn phẩm trong phần lớn các thư viện Việt Nam đã trở nên cấp bách khiến cho nhiều người đã mơ ước thực hiện giải pháp cứu cánh: số hoá kho tư liệu, ngoài xu hướng vi hình hoá nay đã lỗi thời, hi vọng rằng bằng cách phát triển các thư viện điện tử và thư viện số, sẽ không phải xây thêm kho tàng, nhà cửa, mặc dầu động cơ chính của việc thành lập các thư viện số là nhằm để chia sẻ nguồn lực với tác dụng chẳng những tăng khả năng truy nhập thông tin, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn kinh phí mua sách báo trước tình hình giá xuất bản phẩm trên thị trường sách thế giới tăng vọt, mà còn khắc phục tình trạng trùng lặp, dư thừa trong các kho tư liệu.
Trong trào lưu toàn cầu hướng về các thư viện điện tử và thư viện số, khó khăn nhất cho nước ta, trong việc xây dựng các loại hình thư viện này theo đúng nghĩa của nó, là vấn đề kinh tế. Xây dựng những thư viện điện tử "lý tưởng", độc lập, với vốn tư liệu hoàn toàn số hoá, với toàn bộ dịch vụ chuyển sang phương thức điện tử, sẽ không khả thi, mà xu hướng sẽ xuất hiện nhiều thư viện điện tử (theo ý nghĩa tương đối) như là kết quả của quá trình tin học hoá, như là các cổng vào thông tin và như một bộ phận của các thư viện lớn truyền thống ở Việt Nam.
Trong chừng mực nào đó, có thể nói chúng ta đã đang tiến trên con đường xây dựng thư viện điện tử hoặc ở trong giai đoạn quá độ xây dựng thư viện điện tử. Mặc dầu vậy, có lẽ tốt hơn hết là đừng quá vội sử dụng các thuật ngữ nói trên (thư viện điện tử, thư viện số và thư viện ảo) trong lúc khái niệm và thuật ngữ còn chưa thống nhất và ổn định, để gọi tên một thư viện này nọ. Tạo nên sự chuyển biến về chất trong vốn tư liệu, dịch vụ và người sử dụng là điều quan trọng hơn để minh chứng cho việc đặt tên. Bao giờ lượng đổi thành chất trong quá trình số hoá vốn tư liệu, điện tử hoá dịch vụ và chuyển đổi phương cách sử dụng thư viện sẽ là lúc chúng ta có thể nói về một thư viện điện tử thực thụ. Con đường mà đại bộ phận thư viện chúng ta sẽ đi là: kết hợp các nguồn tin truyền thống với hiện đại, bổ sung thêm các tạp chí điện tử toàn văn trên CD-ROM ( hiện còn quá ít), đặt mua ( trả tiền thuê bao truy nhập) các tạp chí điện tử toàn văn trên mạng ( hầu như chưa nơi nào làm); số hoá một phần vốn tư liệu ( đặc biệt là các sưu tập quí hiếm và nơi khác không có, những sưu tập là thế mạnh của mình,...), điện tử hoá một phần dịch vụ và tạo điều kiện cho người sử dụng chủ động khai thác các mạng diện rộng, kể cả truy nhập Internet.
Nguồn: http://www.folis.info

Bài viết của Tiến sĩ Vũ Văn Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét